Những quốc gia thống trị cầu lông thế giới - #1 Trung Quốc
Trên thế giới nói đến cầu lông người ta dễ nghĩ đến châu Á là khu vực thống trị hoàn toàn vì có quá nhiều tay vợt xuất sắc xuyên suốt dòng thời gian. Tuy là môn thể thao được phát minh bởi người Anh nhưng châu Á lại có bề dày thành tích nổi bật hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Âu. Chỉ tính riêng đánh đơn, 9/10 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng tổng số huy chương đã thuộc châu Á, và chín cường quốc này đã nắm giữ đến 85% số giải vô địch thuộc thể thức đánh đơn qua các năm trên thế giới.
Nào hãy cùng Smash The Shuttlecock (STSC) tìm hiểu bảng "Phong Thần" dành cho các cường quốc cầu lông đánh đơn từ trước đến nay nhé. Bọn mình xin lưu ý các số liệu thống kê trong bài được thu thập từ năm 2007 khi các giải đấu lớn Super Series, Grand Prix và World Tour đi vào khuôn khổ, trở thành chuỗi giải tính điểm uy tín mỗi năm của Liên Đoàn Cầu Lông Thế Giới (BWF).
Vị trí số 1 - Trung Quốc
Nhờ phát triển nền mống vững chắc từ hàng thập kỷ trước, Trung Quốc cho đến nay là quốc gia "độc cô cầu bại" về cầu lông với 253 tấm huy chương, bỏ rất xa Nhật Bản hạng #2 với 88 huy chương tổng sắp. Dù một số quốc gia khác cũng có chương trình phát triển cầu lông rất hiệu quả như Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia, nhưng chương trình của Trung Quốc mới là chương trình cầu lông chiếm ưu thế nhất trên thế giới. Vậy Trung Quốc đã làm cách nào để chiếm thế thượng phong trong môn thể thao này?
Thứ nhất, các chương trình cầu lông nam và nữ được hỗ trợ trực tiếp bởi chính phủ Trung Quốc. Chính phủ lo mọi thứ cho các vận động viên tham gia chương trình huấn luyện như lo nhà ở, ăn uống và cơ sở vật chất cho việc tập luyện của các vận động viên. Vì vậy, các vận động viên Trung Quốc không phải lo lắng về bất cứ điều gì ngoại trừ việc chơi cầu và chuẩn bị cho các cuộc thi.
Chương trình cầu lông luôn được hỗ trợ trực tiếp bởi chính phủ Trung Quốc, liên tục đặt ra những giải đấu theo trình độ từ thấp đến cao và liên tục đào thải các cá nhân thành tích kém hơn.
Điều này mang lại cho chương trình cầu lông Trung Quốc một ưu thế lớn so với các quốc gia khác như Đan Mạch hoặc Mỹ vốn chỉ có gia đình VĐV và liên đoàn quốc gia chăm sóc cho đời sống tuyển thủ. Hầu hết các VĐV ở quốc gia khác phải đối mặt với các bộn bề trong cuộc sống thực như cơm áo gạo tiền, các nhu cầu chi tiêu của gia đình, vì chính phủ của họ không cung cấp mọi thứ như đội cầu lông của Trung Quốc.
Kế đến Trung Quốc có rất nhiều tài năng để tuyển chọn vận động viên cho chương trình cầu lông quốc gia. Đây là một ưu thế nổi bật khiến chương trình cầu lông của họ luôn tìm được những tay vợt giỏi nhất trên thế giới. Trung Quốc sở hữu vùng lãnh thổ rộng lớn với dân số khoảng 1,3 tỷ người, trong đó khoảng 100 triệu người tham gia chơi cầu lông thường xuyên.
Chen Long một trong những vận động viên tài năng được tuyển chọn tham gia tuyển Cầu lông quốc gia.
Họ có quá nhiều tài năng trẻ tham gia vào bộ môn này đến nỗi những VĐV cầu lông hạng nhì hoặc hạng ba của Trung Quốc nếu nhập tịch ở những nước khác chắc chắn sẽ rất thành công ở cấp đội tuyển quốc gia. Cầu lông còn có xu hướng dần trở nên phổ biến ở Trung Quốc khi ngày càng có nhiều người chọn cầu lông để giải trí hay thi đấu chuyên nghiệp. Như vậy nguồn cung tài năng trẻ ở Trung Quốc không bao giờ khan hiếm mà luôn có lớp sóng sau xô sóng trước.
Sự thống trị của Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì còn nhờ các tuyển thủ hậu bối luôn giỏi hơn lớp tiền bối. Ở Thế Vận Hội mùa hè 2008 tại Bắc Kinh, đội cầu lông Trung Quốc đã giành được 3/5 HCV ở các nội dung đơn nam, đơn nữ, đôi nữ. Zhang Ning của Trung Quốc chính là một trong những nữ vận động viên cầu lông xuất sắc nhất trong lịch sử môn thể thao này.
Zhang Ning một trong những vận động viên nữ xuất sắc nhất trong lịch sử bộ môn thể thao này của Trung Quốc.
Cô có nhiều thành tích ấn tượng như tay vợt nữ duy nhất giành được HCV nội dung đơn ở 2 kỳ Olympic liên tiếp. Cô cũng đã giành được tám giải đấu trong sự nghiệp xuất sắc của mình. Ngoài ra, Trung Quốc còn có Lin Dan là VĐV cầu lông vĩ đại nhất mọi thời đại, với một sự nghiệp phi thường khi hai lần vô địch Thế Vận Hội, năm lần vô địch thế giới và 6 lần vô địch toàn Anh, ở tuổi 28 anh đã hoàn tất "Super Grand Slam", giành tất cả chín danh hiệu chính của cầu lông thế giới: Thế vận hội, giải Vô địch Cầu lông Thế giới, cúp cầu lông thế giới, Thomas Cup, Super Series Masters Finals, giải Toàn Anh mở rộng, Đại hội Thể thao Châu Á, giải vô địch Châu Á và cúp cầu lông Châu Á.
Lin Dan - tuyển thủ cầu lông vĩ đại nhất mọi thời đại ở Trung Quốc có những bước tiến sự nghiệp phi thường.
Với những viên gạch vững chắc cùng bảng thành tích đã đạt được, có thể công nhận chương trình cầu lông của Trung Quốc là ưu việt hơn hẳn các quốc gia khác. Họ đã đặt nền móng cho một hệ thống phát triển và nuôi dưỡng các tay vợt trẻ một cách bền vững. Chúng mình dự đoán, Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ ngôi vương trong ít nhất 10 năm nữa, trừ khi một quốc gia đông dân số trẻ như Ấn Độ, Malaysia hoặc Indonesia tìm được cách kết hợp lợi thế nhân khẩu học cùng một chương trình đào tạo bài bản, khoa học và đưa ra lời thách thức nghiêm túc với gã khổng lồ này!
Các tay vợt trẻ ở Trung Quốc được đào tạo và nuôi dưỡng một cách bền vững theo đúng bản lề chính sách phát triển cầu lông của Trung Quốc.