Những quốc gia thống trị cầu lông thế giới - #3 Malaysia
Trên thế giới nói đến cầu lông người ta dễ nghĩ đến châu Á là khu vực thống trị hoàn toàn vì có quá nhiều tay vợt xuất sắc xuyên suốt dòng thời gian. Tuy là môn thể thao được phát minh bởi người Anh nhưng châu Á lại có bề dày thành tích nổi bật hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Âu. Chỉ tính riêng đánh đơn, 9/10 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng tổng số huy chương đã thuộc châu Á, và chín cường quốc này đã nắm giữ đến 85% số giải vô địch thuộc thể thức đánh đơn qua các năm trên thế giới.
Nào hãy cùng Smash The Shuttlecock (STSC) tìm hiểu bảng "Phong Thần" dành cho các cường quốc cầu lông đánh đơn từ trước đến nay nhé. Bọn mình xin lưu ý các số liệu thống kê trong bài được thu thập từ năm 2007 khi các giải đấu lớn Super Series, Grand Prix và World Tour đi vào khuôn khổ, trở thành chuỗi giải tính điểm uy tín mỗi năm của Liên Đoàn Cầu Lông Thế Giới (BWF).
Vị trí số #3 - Malaysia
Đứng ở vị trí thứ 3 thế giới, cũng là quốc gia có bề dày thành tích #1 Đông Nam Á hiện nay chính là Malaysia, với tổng số 69 huy chương. Cầu lông vốn đã sớm du nhập đến đảo Penang, Malaysia từ năm 1925 do nơi đây là thuộc địa quan trọng của người Anh, và đến năm 1960 thì Hiệp Hội Cầu Lông Malaysia (BAM) chính thức được thành lập.
Hiệp Hội Cầu Lông Malaysia (BAM) được chính thức thành lập vào năm 1960.
Trong giai đoạn năm 1948-1982, Malaysia là một trong ba quốc gia đầu tiên giành chức vô địch Thomas Cup, cùng với Indonesia và Trung Quốc. Ngày nay cầu lông là môn thể thao ưa thích tại Malaysia chỉ sau bóng đá. Thậm chí theo một khảo sát được thực hiện bởi BAM vào năm 2018 thì cứ 8 người dân nước này thì có 1 người chơi cầu lông, cao hơn cả bóng đá (20/1).
Nhắc đến cầu lông Malaysia hẳn số đông sẽ nghĩ đến Lee Chong Wei, một trong những tượng đài vĩ đại nhất của làng cầu lông thế giới. Anh từng giữ ngôi vương #1 thế giới trong 6 năm liên tiếp, giành tổng cộng 715 chiến thắng và 69 danh hiệu cá nhân, bao gồm 3 HCB Olympic, 3 lần á quân tại Giải Vô Địch Cầu Lông Thế Giới và 46 danh hiệu Super Series.
Lee Chong Wei - một trong những tượng đài vĩ đại nhất trong làng cầu lông thế giới. Anh từng giữ vị trí ngôi vương #1 trong 6 năm liên tiếp.
Cũng giống như Rafael Nadal và Roger Federer của làng banh nỉ, Lee Chong Wei cùng với kỳ phùng địch thủ Lin Dan của Trung Quốc là hai huyền thoại thực sự ở bộ môn cầu lông, với 40 lần chạm trán cả thảy, bao gồm hai lần đối đầu ở trận tranh Huy chương Vàng Olympic Bắc Kinh 2008 và London 2012, cũng như ở chung kết Giải vô địch thế giới năm 2011 và 2013.
Địch thủ Lin Dan của Trung Quốc người đã chạm trán với Lee Chong Wei hết 40 lần cả thảy.
Vào được trận chung kết ở 3 kỳ Olympic liên tiếp là thế, nhưng Lee Chong Wei để vuột mất cơ hội vô địch vào tay Lin Dan (2 lần) và Chen Long (1 lần). Để rồi sau 19 năm sự nghiệp, anh tuyên bố giải nghệ năm 2019 ở tuổi 36 vì lý do sức khoẻ, để lại những lời chỉ trích rằng anh không xứng đáng với ngôi vị số 1 thế giới vì chưa bao giờ vô địch Olympic.
Hiện nền cầu lông Malaysia đứng trước bài toán khó về lứa nhân tài kế thừa. Khi tay vợt đơn nam Lee Zii Jia đứng #7 thế giới đã là thành tích tốt nhất của Malaysia, thì cặp đôi nam A. Chia/W.Y. Soh xếp tận hạng #9 và cặp đôi nữ M.K. Chow/M.Y. Lee xuất hiện ở hạng #11. Có thể thấy ở thời kỳ hậu-Lee Chong Wei, ngành cầu lông nước này đứng trước 2 lựa chọn khó khăn: tiếp tục lối đào tạo thiên về bản năng trước giờ đã theo đuổi, hoặc chuyển sang đào tạo thiên về tư duy chiến thuật vốn được châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản đã thử nghiệm khá thành công.
Lee Zii Jia - tay vợt đơn nam hiện đang giữ vị trí #7 thế giới tốt nhất của Malaysia.
Ở lối đào tạo "xưa cũ" thiên về bản năng, các tay vợt trẻ được tuyển chọn từ thời đi học dựa vào tài năng, sau đó được huấn luyện tăng cường ở những đội tuyển từ cấp địa phương đến cấp quốc gia. Ở góc nhìn của đào tạo thiên về chiến thuật, cầu lông được xem như một trò chơi tính toán, có quy luật và chiến thuật. Tuyển thủ sẽ được thúc đẩy tư duy chiến thuật và khả năng sáng tạo bằng cách tự đặt câu hỏi liên tục trong lúc đánh, nghĩ ra các tình huống giả định và tự đưa ra quyết định.
Với sự áp dụng của phương thức mới mẻ này ngày càng rộng rãi trên thế giới, có lẽ Malaysia cần phải kiểm tra lại cách đào tạo tuyển thủ của họ để tránh tụt hậu trong tương lai nếu không còn tay vợt nào giữ vị trí top 5 thế giới như Lee Chong Wei đã từng.