Những quốc gia thống trị cầu lông thế giới - #5 Hàn Quốc
Trên thế giới nói đến cầu lông người ta dễ nghĩ đến châu Á là khu vực thống trị hoàn toàn vì có quá nhiều tay vợt xuất sắc xuyên suốt dòng thời gian. Tuy là môn thể thao được phát minh bởi người Anh nhưng châu Á lại có bề dày thành tích nổi bật hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Âu. Chỉ tính riêng đánh đơn, 9/10 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng tổng số huy chương đã thuộc châu Á, và chín cường quốc này đã nắm giữ đến 85% số giải vô địch thuộc thể thức đánh đơn qua các năm trên thế giới.
Nào hãy cùng Smash The Shuttlecock (STSC) tìm hiểu bảng "Phong Thần" dành cho các cường quốc cầu lông đánh đơn từ trước đến nay nhé. Bọn mình xin lưu ý các số liệu thống kê trong bài được thu thập từ năm 2007 khi các giải đấu lớn Super Series, Grand Prix và World Tour đi vào khuôn khổ, trở thành chuỗi giải tính điểm uy tín mỗi năm của Liên Đoàn Cầu Lông Thế Giới (BWF).
Vị trí số #5 - Hàn Quốc
Hàn Quốc là một quốc gia mới nổi trên bản đồ cầu lông thế giới, môn thể thao này được hưởng lợi từ "Kỳ tích sông Hàn" - giai đoạn phát triển sản xuất công nghiệp khoảng nửa sau thế kỷ 20, đặt nền móng cho xã hội Hàn Quốc hiện đại văn minh ngày nay. Nắm giữ 55 huy chương trên bảng tổng sắp, Hàn Quốc là siêu cường vị trí #5 hiện nay trên toàn cầu, với thế mạnh chủ yếu ở các nội dung đôi đặc biệt là đôi nữ.
Lee So Hee/ Shin Seung Chan - đôi nữ mạnh nhất hiện đang giữ vị trí số 1 tại Hàn Quốc.
Vì là người sinh sau đẻ muộn không giàu truyền thống như Malaysia hay Indonesia, Liên Đoàn Cầu Lông Hàn Quốc (viết tắt BKA) đã chọn cho mình định hướng phát triển rất khác biệt. Hưởng lợi từ các thành tựu khoa học kỹ thuật học từ cách mạng công nghiệp, họ đã nghiên cứu chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập nhằm đảm bảo cho sức bền, phong độ của các tuyển thủ được ổn định. Nhận thức được ứng dụng kiến thức khoa học dinh dưỡng là xu hướng tất yếu của tương lai, họ sớm xây dựng đội ngũ huấn luyện viên phát triển những yếu tố thể lực và kỹ thuật khác nhau cho các VĐV.
Liên Đoàn Cầu Lông Hàn Quốc được thành lập vào năm 1957 tuy không giàu truyền thống như Malaysia hay Indonesia nhưng lại có định hướng phát triển rất khác biệt.
Hướng đi này của BKA đã thành công sau 30 năm xem cầu lông như một môn khoa học. Những danh thủ như Lee Yong Dae, Jung Jae Sung, Lee Hyo Jung, Lee Hyun Il đã mang về HCĐ các giải Thomas Cup và Uber Cup các năm cuối thập niên 90, và chức vô địch những giải này đầu những năm 2000, cùng các danh hiệu vô địch nội dung đôi nam, đôi nữ, đôi nam-nữ giải BWF Super Serie những năm 2007-2008.
Hướng đi của BKA đã tạo điều kiện cho cặp đôi Hàn Quốc Lee Yong Dae và Kim Gi Jung giành chức vô địch tại Malaysia Master năm 2020
Thậm chí đến năm 2013, Liên Đoàn Cầu Lông Malaysia (BMA) đã mở lời hợp tác đào tạo, giao lưu tài năng trẻ cùng BKA. Các VĐV Malaysia có lối đánh bản năng, giàu truyền thống và kỹ thuật tốt hơn nhưng thể lực không sung sức, dẻo dai như VĐV Hàn Quốc, qua lần hợp tác này đã học hỏi trau dồi thế mạnh riêng của quốc gia bạn.
Lối đánh dẻo dai, đầy sung sức của các VĐV Hàn Quốc đã khiến cho các VĐV nước bạn phải học hỏi theo.
Một điểm khác cũng đã được người Hàn sớm nhìn ra, đó là phát triển cầu lông như một nghề thực thụ được xã hội công nhận. Trong khi nhiều quốc gia châu Á khác chỉ cổ vũ tinh thần đam mê của VĐV, chính phủ Hàn Quốc đã sớm lo cho thu nhập, nhà ở và các phúc lợi khác cho VĐV. Họ phát triển cầu lông như một nền công nghiệp mà người chơi có thể chọn môn thể thao này như một sự nghiệp và dành cả đời gắn bó nghiêm túc với nó.
Những triết lý trên tạo nên một chiến lược khác biệt giúp Hàn Quốc đào tạo ra các thế hệ VĐV bền bỉ ở từng giải đấu lẫn trên cục diện tương lai dài hạn. Tuy nhiên nếu họ chỉ áp dụng khoa học mà không tính đến các yếu tố kỹ thuật khác thì VĐV Hàn Quốc sẽ vẫn chỉ "bền" và thống trị các nội dung đôi chứ không thể trở nên "mạnh" và trở thành siêu cường ở các nội dung "đơn". Đó sẽ là dấu chấm hỏi cực lớn dành cho cầu lông Hàn Quốc trong những thập niên tới.